Không phải tất cả người lao động đi làm cũng hiểu rõ mình nhận được những quyền lợi gì, cách tính lương ra sao mà phó thác hết cho bộ phận hành chính nhân sự. Nếu không hiểu rõ những vấn đề này, bạn sẽ thiệt thòi khi gặp phải những công ty không tử tế. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lương, thưởng, chế độ bảo hiểm, phúc lợi cơ bản mà người lao động sẽ được nhận.
Các loại lương dành cho người lao động
Lương chính là giá cả sức lao động mà doanh nghiệp trả cho bạn thông qua thỏa thuận giữa đôi bên, đảm bảo phù hợp cung – cầu sức lao động và quy định Luật lao động của nước sở tại. Tiền lương được chia thành nhiều nhóm:
Lương cố định trả theo ngày, tuần, tháng, năm theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.
Lương theo sản phẩm, doanh số theo thoả thuận trong hợp đồng lao động
Lương làm thêm ngoài giờ tính dựa trên tiền lương mà người lao động nhận trong tháng như sau:
- Ngày thường từ 150% tiền lương, ngày nghỉ hàng tuần từ 200% tiền lương, ngày Lễ Tết từ 300% tiền lương. Nếu ngày Lễ Tết trùng ngày nghỉ hàng tuần thì tính theo làm thêm giờ ngày Lễ Tết từ 300% tiền lương.
- Ngày nghỉ bù ngày Lễ Tết thì tính theo làm thêm giờ ngày nghỉ hàng tuần từ 200% tiền lương.
- Lương làm việc ban đêm
- Nếu là ca đêm thông thường thì ít nhất bằng 30% tiền lương làm việc bình thường
- Nếu là làm thêm ngoài giờ vào ban đêm (đã là ca sáng rồi) thì sẽ có thêm lương ngoài giờ, lương ban đêm và 20% lương thông thường.
- Nếu người lao động có nhiều hình thức lương thì thu nhập mỗi đợt sẽ bằng tổng các khoản tiền lương cộng lại.

Thưởng, phụ cấp dành cho người lao động
Thưởng là khoản tiền khích lệ mà người sử dụng lao động dành cho người lao động với mong muốn khuyến khích mọi nhân viên cùng nỗ lực, phấn đấu vì thành công của doanh nghiệp. Tuỳ theo đặc thù ngành nghề, năng lực tài chính, mục tiêu nhóm chuyên môn cần khích lệ làm việc mà chính sách thưởng của mỗi doanh nghiệp khác nhau, do đó, thưởng sẽ xếp vào nhóm phúc lợi doanh nghiệp. Dưới đây là một số loại thưởng, phúc lợi phổ biến:
- Thưởng sáng kiến, KPI
- Thưởng tăng doanh số, mức năng suất lao động
- Thưởng giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng
- Thưởng tiết kiệm vật tư nguyên liệu
- Thưởng theo thâm niên làm việc 5, 10 năm
- Phụ cấp tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại, gửi xe, sinh nhật
- Phụ cấp tiền nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân qua đời, người thân kết hôn.
- Các khoản thưởng, phụ cấp này là khoản phúc lợi hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, nên không tính vào tiền lương đóng BHXH hàng tháng.
- Chế độ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là một sự bảo đảm về tài chính, hỗ trợ người lao động khi bị giảm hoặc bị mất thu nhập trong những lúc ốm đau, tai nạn, thai sản, hưu trí. Mỗi tháng, người lao động sẽ phải nộp vào quỹ BHXH bắt buộc 25% trên tổng tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, không phải trừ hết 25,5% từ tiền lương của người lao động, mà thực tế người lao động chỉ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%.
Mức tiền lương để tính khi đóng BHXH không bắt buộc phải đúng thu nhập thực tế của người lao động, mà có: mức đóng tối thiểu không thấp hơn mức lương tháng tối thiểu vùng và mức đóng tối đa không quá 20 lần lương tháng tối thiểu vùng.
Chế độ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là khoản tiền hỗ trợ tài chính cho người lao động trong việc khám chữa bệnh, trị liệu điều trị khôi phục sức khỏe do ốm đau, tai nạn. Mức đóng BHYT là 4,5% mức tiền lương tháng của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động 1,5%.

Mức tiền lương tháng làm cơ sở tính BHYT cũng giống như khi đóng BHXH, tối thiểu bằng lương tháng tối thiểu vùng, tối đa bằng 20 lần lương tháng tối thiểu vùng. Tùy theo thực tế người lao động khám chữa bệnh đúng tuyến, trái tuyến cũng như đối tượng lao động tham gia BHYT mà mức giảm chi phí khám chữa bệnh có thể từ 40% – 100%.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là khoản tiền bù đắp khi người lao động bị mất việc làm hoặc chưa tìm được việc làm, giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt cuộc sống. Tỷ lệ đóng quỹ BHTN là 2%, trong đó người sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1%.
Mức tiền lương tháng làm cơ sở tính BHTN cũng giống như khi đóng BHXH, tối thiểu bằng lương tháng tối thiểu vùng, tối đa bằng 20 lần lương tháng tối thiểu vùng. Số tháng được hưởng BHTN sẽ căn cứ vào số năm làm việc có đóng BHTN mà bạn chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được 3 tháng, thêm 12 tháng đóng nữa thì được nhận trợ cấp thất nghiệp thêm 1 tháng, nhưng tổng cộng không nhận quá 12 tháng trợ cấp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng nhận được sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Chế độ thai sản
Chế độ thai sản là một phần nội dung trong quỹ BHXH, nhằm hỗ trợ lao động nữ khi sinh con, mang thai, nhận con nuôi, thực hiện biện pháp tránh thai/ triệt sản. Đồng thời, lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng quyền lợi từ phần BHXH mà lao động nam đã đóng, có cả ngày nghỉ và tiền trợ cấp.
Số ngày nghỉ chế độ thai sản
Chế độ thai sản cho người lao động nữ sẽ gồm 6 tháng nghỉ thai sản, nếu sinh đôi trở lên thì cứ thêm 1 bé, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 1 tháng. Nếu trước khi sinh nghỉ dưỡng thai (tối đa 2 tháng) thì sau khi sinh sẽ trừ bù lại.
Chế độ thai sản cho lao động nam có vợ sinh con, tuỳ vào biện pháp sinh con, số lượng con mà lao động nam sẽ được nghỉ 5, 7, 10 ngày hoặc 14 ngày trong phạm vi 30 ngày đầu tiên sau khi vợ sinh.

Trợ cấp thai sản
- Lao động nữ:
Mức trợ cấp nghỉ khám thai = (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai/24 ngày) x Số ngày nghỉ
Mức hưởng 01 tháng nghỉ sinh con = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc
Trợ cấp 1 lần khi sinh con / nhận con nuôi = 2 x Mức lương cơ sở tại tháng sinh con/nhận con nuôi
Mức trợ cấp dưỡng sức sau sinh/ ngày = 30% x Mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ
- Lao động nam:
Trợ cấp thai sản khi có vợ sinh con = (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai/24 ngày) x Số ngày nghỉ
Trợ cấp 1 lần cho khi vợ sinh con = 2 x Mức lương cơ sở tại tháng sinh con
Trên đây là những thông tin cơ bản về lương và chế độ phúc lợi cơ bản của doanh nghiệp dành cho người lao động. Hy vọng bạn sẽ có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.